Hiện nay BIM đang ngày một trở nên phổ biến trên thế giới. Nhiều nước như Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Braxin, Canada, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Nga, Trung Quốc,… đã áp dụng BIM ở nhiều mức độ khác nhau, qua đó nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của ngành xây dựng nước mình.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ứng dụng BIM ở Bắc Mỹ đã tăng nhanh chóng trong giai đoạn giữa năm 2007 đến năm 2012 từ 28% đến 71%. Việc áp dụng của các nhà thầu là 74% đã vượt qua cả kiến trúc sư (chiếm khoảng 70%), đây là đối tượng dẫn đầu quá trình cách mạng hóa BIM và giúp định hình rõ nét các giá trị của BIM mang lại. Số lượng chủ đầu tư có yêu cầu sử dụng BIM tại trên 60% dự án do mình quản lý đã tăng từ 18% vào năm 2009 lên 44% vào năm 2012 .
Tại Châu Âu, các quốc gia Bắc Âu là các nước dẫn đầu trong ứng dụng BIM dựa trên thế mạnh truyền thống là áp dụng công nghệ thông tin trong các ngành. Na Uy, Phần Lan đã yêu cầu sử dụng BIM cho các dự án đầu tư công từ những năm 2007. Vương quốc Anh khuyến khích mạnh mẽ áp dụng BIM cho các công trình do các cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư.
Hà Lan, Đan Mạch đã yêu cầu bắt buộc áp dụng BIM trong khu vực đầu tư công. Pháp, Đức đang xây dựng tiêu chuẩn và lộ trình áp dụng BIM cho ngành xây dựng nước mình. Liên bang Nga đang triển khai ứng dụng BIM một cách mạnh mẽ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Hiện tại, nhiều cơ quan chính phủ cấp liên bang cũng như cấp thành phố của Liên bang Nga đã bắt đầu triển khai áp dụng BIM như: Bộ Xây dựng, Cơ quan thẩm định và cấp phép, Hiệp hội các kỹ sư thiết kế, Hiệp hội nhà thầu, Chính quyền thành phố Mátxcơva,...
Tại Châu Úc, Australia đã ứng dụng BIM trong việc bảo trì các công trình lớn (như nhà hát Opera ở Sydney). Trong cuộc điều tra về năng suất xây dựng công trình hạ tầng công cộng năm 2014 đã cho thấy việc bắt buộc áp dụng BIM đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành xây dựng Úc .
Tại Châu Á, Singapore là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc áp dụng BIM theo sự chỉ đạo Chính phủ. Singapore có chính sách hỗ trợ thông qua quỹ hỗ trợ tăng cường năng lực và năng suất cho các doanh nghiệp .
Tại Trung Quốc, Viện nghiên cứu tiêu chuẩn công trình Trung Quốc (China Institute of Building Standard Design and Research) phối hợp với Tập đoàn đường sắt, BuidingSMART China, CAPOL đã đẩy mạnh việc áp dụng BIM cho các công trình phức tạp, quy mô lớn như các tháp cao tầng (tháp trung tâm Thượng Hải, tòa nhà Citicorp Bắc Kinh…), cảng (tòa nhà cảng Thẩm Quyến), đường sắt cao tốc (tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải) nhằm giúp quản lý chất lượng công trình tốt hơn và tiết kiệm chi phí.
Hồng Kông hiện là một trong những đặc khu đi đầu về áp dụng BIM cho các công trình nhà ở, đường sắt, cảng hàng không, các tòa nhà chính phủ từ lập kế hoạch đến thiết kế,... Hồng Kông đang đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng BIM cũng như triển khai đào tạo và tổ chức các cuộc thi về áp dụng BIM để nâng cao năng lực, hiệu quả và tính cạnh tranh cho ngành xây dựng. Hiện tại, Cục phát triển và Hội đồng ngành công nghiệp Xây dựng (CIC) đang tiến hành thẩm định các giá trị BIM mang lại cho các dự án đã triển khai.
Hàn Quốc đã bắt buộc phải áp dụng BIM trong đầu tư công; Malaysia cđã có tiêu chuẩn về BIM và các chương trình đào tạo về BIM trong giảng dạy đại học; Một số nước cũng đã có những nghiên cứu thí điểm phục vụ cho việc triển khai áp dụng vào các dự án đầu tư công như Indonesia, Phillipine, Sri Lanka, Pakistan, Ấn Độ.