Hiện tại trên thế giới tồn tại nhiều tiêu chuẩn, hướng dẫn và định dạng file để trao đổi và quản lý cơ sở dữ liệu BIM. Ví dụ như chỉ dẫn, định dạng IFC (Industry Foundation Class) phát triển bởi tổ chức buildingSMART để trở thành một chuẩn dữ liệu chung để mô tả, trao đổi và chia sẻ thông tin sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và quản lý công trình dân dụng; Chỉ dẫn, định dạng COBie (Construction Operations Building information exchange) phát triển để thu thập và chuyển giao thông tin trong toàn vòng đời cho đơn vị quản lý công trình.
Nhìn chung, các tiêu chuẩn, hướng dẫn BIM trên thế giới thường có 4 phần chủ yếu:
- Kế hoạch triển khai dự án (Project Execution Plan, viết tắt là PEP);
- Phương pháp mô hình hóa (Modeling Methodology, viết tắt là MM);
- Mức độ chi tiết (Levels of Detail, viết tắt là LODs);
- Cách thể hiện cấu kiện và Tổ chức cơ sở dữ liệu (viết tắt là P&O).
Tới 2015 tại Mỹ, các tổ chức khác nhau thuộc khối nhà nước đã ban hành 47 hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM để triển khai BIM một cách hiệu quả trong đó có các cơ quan chính phủ ban hành 17 và các tổ chức phi lợi nhuận ban hành 30 bộ: Cục Quản lý dịch vụ công (General Services Administration, viết tắt GSA) dự kiến ban hành 8 hướng dẫn BIM độc lập nhưng có liên quan tới nhau, họ đã ban hành 6 hướng dẫn từ 2007 đến 2011 và 2 phần còn lại đang được lấy ý kiến chuẩn bị ban hành; Viện Khoa học quốc gia về công trình dân dụng (National Institute of Building Sciences, viết tắt NIBS) đã ban hành 2 phiên bản tiêu chuẩn BIM và chuẩn bị ban hành phiên bản thứ 3; Ngoài ra còn có Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (American Institute of Architects), Hiệp hội nhà thầu (Association of General Contractors, viết tắt là AGC), các trường Đại học, các Bang hoặc thành phố cũng ban hành những hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM. Trong số đó, các hướng dẫn, tiêu chuẩn của trường Đại học bang Pennsylvania và Hiệp hội nhà thầu có thông tin đầy đủ 4 phần chủ yếu như trên. Có những bộ không có đầy đủ thông tin cho cả 4 phần trong đó đặc biệt khoảng một nửa các tiêu chuẩn không quy định rõ ràng về mức độ chi tiết của mô hình (LODs).
Hiện tại Châu Âu có khoảng 34 hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM. Trong đó, Vương quốc Anh ban hành 18 bộ bởi các tổ chức như: Hội đồng ngành xây dựng (Construction Industry Council, viết tắt CIC), Nhóm nhiệm vụ BIM (BIM Task Group), Viện tiêu chuẩn Anh (British Standards Institution, viết tắt BSI), Hội đồng AEC-UK,… Na Uy có 6 bộ được ban hành bởi Statsbygg, một cơ quan chính phủ và Hiệp hội xây dựng Na Uy. Ngoài ra còn có Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển cũng đều ban hành những bộ hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM để áp dụng một cách có hiệu quả. Đặc biệt tại Phần Lan ngoài hướng dẫn áp dụng BIM cho các công trình dân dụng còn có hướng dẫn cho các công trình cầu và hạ tầng kỹ thuật. Hầu hết các hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM tại Châu Âu thiếu thông tin về 2 phần là kế hoạch triển khai dự án (PEP) và mức độ chi tiết (LODs). Cá biệt có hướng dẫn BIM protocol của AEC-UK có đủ thông tin của 4 phần đầy đủ.
Tại Châu Á hiện nay đã có 35 hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM. Trong đó, Singapore đã ban hành 12 bộ bởi Cơ quan quản lý xây dựng Singapore (Building Construction Authority, viết tắt BCA) và các cơ quan chính phủ khác. Ngoài ra Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông cũng có ban hành các hướng dẫn, tiêu chuẩn. Tương tự như tại Châu Âu, hầu hết các hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM tại Châu Á cũng thiếu thông tin về 2 phần là kế hoạch triển khai dự án (PEP) và mức độ chi tiết (LODs). Cá biệt có hướng dẫn BIM phiên bản 2 của BCA có đủ thông tin của 4 phần đầy đủ.
Có thể thấy trên thế giới cũng như tại mỗi nước đã ứng dụng BIM đã ban hành rất nhiều các hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM để phục vụ cho nhu cầu đặc thù của ngành công nghiệp, tuy nhiên cũng cần phải có những hướng dẫn, tiêu chuẩn chung cho một khu vực hoặc toàn cầu để đem tới lợi ích lớn hơn cho cộng đồng BIM.