Ngày 22/12/2016 vừa qua, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 2500/ QĐ-TTg, phê duyệt Đề án áp dụng BIM vào hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Đề án được chủ trì thực hiện bởi Viện kinh tế xây dựng trực thuộc Bộ xây dựng. Qua nhiều Forum, hội thảo đóng góp ý kiến, khảo sát ý kiến các đối tượng liên quan, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng Việt Nam của các thành viên tham gia, đề án đã chính thức được phê duyệt và bắt đầu lộ trình thực hiện vào tháng 1/ 2017.
Nội dung công việc và tiến độ thực hiện đề án theo lộ trình:
1. Từ năm 2017 đến 2019:
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đào tạo kỹ năng cho việc áp dụng BIM, bao gồm các nhiệm vụ sau:
a) Nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng BIM;
b) Xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan;
c) Xây dựng các hướng dẫn về BIM;
d) Xây dựng chương trình khung cho việc đào tạo các kiến thức về BIM và triển khai thực hiện đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp, một số Ban quản lý dự án, Chủ đầu tư, tổ chức tư vấn để triển khai áp dụng BIM.
2. Từ năm 2018 đến 2020:
Triển khai áp dụng thí điểm tại một số công trình, bao gồm các nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện việc áp dụng BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án cho tối thiểu 20 công trình xây dựng mới thuộc các loại khác nhau từ cấp I trở lên thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước và các nguồn vốn khác (trên cơ sở tự nguyện);
b) Áp dụng BIM trong công tác quản lý vận hành trong quá trình sử dụng cho tối thiểu 10 công trình quan trọng, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước;
c) Tổ chức đánh giá cụ thể tình hình áp dụng BIM trên cơ sở áp dụng thí điểm nêu trên và hoàn thành các bước công việc để áp dụng rộng rãi trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình từ năm 2021.
3. Từ năm 2021:
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư, Hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Về vốn đầu tư và nguồn vốn đề án cũng chỉ ra rõ:
1. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp phù hợp với nhiệm vụ, công việc trong từng giai đoạn thực hiện Đề án theo đề nghị Bộ Xây dựng.
2. Chi phí thực hiện BIM đối với các dự án đầu tư xây dựng áp dụng thí điểm và các dự án áp dụng rộng rãi theo lộ trình được duyệt được tính trong tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Theo lộ trình nêu trên, đề án cũng đưa ra 1 số giải pháp chính và nhiệm vụ của các bộ, ban ngành liên quan cũng như các tỉnh thành.
Quyết định trên cho thấy chính phủ đã coi BIM là 1 bước phát triển tất yếu, từ đó có những sự đầu tư nghiêm túc về tiến trình áp dụng BIM, cải tiến ngành xây dựng trong nước, kết nối với kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.