Không biết có bạn nào tự hỏi thế sau khi thiết kế và thi công xong, chủ đầu tư họ vận hành công trình như sửa chữa, bảo trì, thay thế… như thế nào không ạ ?
Bây giờ các bạn quen với BIM rồi, nếu tìm tài liệu thì chắc là cũng thấy cụm từ “BIM – BAM – BOOM”, nó cũng có ý nghĩa tương tự như cái hình ở trên “Làm BIM cho thiết kế và thi công thật là rẻ tiền”.
Trong quá trình BIM, nếu không quan tâm đến vận hành lâu dài của chủ đầu tư (BOOM) thì thật là sai lầm.
Nói rõ ra là BIM ở trên chỉ là BIM ngắn hạn, BIM ít tiền, BIM chỉ dùng cho thiết kế và thi công. BIM này cũng tốt thôi, nhưng mà tốt hơn nữa là phải nghĩ đến kế hoạch dài hạn của chủ đầu tư, là BIM dài hạn, BIM nhiều tiền, BIM của chủ đầu tư. BIM cho chủ đầu tư là các nD phía sau 5D như là
6D - BIM for Facility Management, 7D – Green BIM (energy, life-cycle analysis)...
Dĩ nhiên, mình không đủ hiểu biết để nói về cách làm 6D (BIM for FM), 7D… bởi vì cái này nó thuộc lãnh vực khác, công ty khác. Ở đây, mình chỉ nói đến chuyện cụ thể là cái BIM ngắn hạn phải xuất ra được những thông tin mà chủ đầu tư dùng được trong dài hạn vận hành công trình (BOOM). Nếu không có cái cầu từ BIM ngắn hạn để chuyển thông tin đến BIM dài hạn của chủ đầu tư, thì thật là lãng phí và rất thiếu khôn ngoan.
Trước khi nói về cái cầu chuyển dữ liệu (COBie) giữa 2 cái BIM, mình xin nhắc lại một chút những gì đang xảy ra để thấy lí do tạo sao người ta muốn làm BIM và cái cầu nối này là quan trọng.
Hiện tại rất đơn giản là sau khi nghiệm thu xong, tư vấn và nhà thầu sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn công và chuyển cho chủ đầu tư. Bộ hồ sơ hoàn công bao gồm các thông tin mà các bên dùng để xây dựng công trình bao gồm nhiều thứ bản vẽ, thông số kỹ thuật vật liệu, thiết bị… điều đáng nói là chủ yếu toàn bằng giấy (dần dần có thêm bản scan pdf).
Sau đấy, những gì xảy ra tiếp theo là trong cái đống thông tin khổng lồ đó, bên chủ đầu tư thường phải ngồi lượm lặt, sắp xếp lại để trích ra các thông tin mà mình cần cho công việc vận hành, bảo trì công trình. Công việc này thường được làm bằng tay và nhập lại thông tin từ hồ sơ vào các phần mềm hệ thống quản lý công trình (Computerized Maintenance Management System – CMMS). Công việc đơn giản nhập lại như là : Tầng 1, có 3 Phòng, Phòng ngủ PN01 được sơn màu hồng, sơn Nippon, có 2 cái giường, 4 bóng đèn, 1 hộp BCS, BCS hiệu Durex, thời hạn sử dụng 3 năm, thông số kỹ thuật nằm ở tệp BCS01.pdf… Từng phòng, từng phòng một cho tất cả các trang thiết bị.
Mà nhập lại bằng tay thì các bạn biết rồi đấy, vừa mất thời gian vừa chứa nhiều rủi ro sai sót. Mà hồ sơ hoàn công thì các bạn cũng biết luôn, không có bộ hồ sơ hoàn công nào mà phản ánh hết những gì thực tế chuyển giao. Nên việc thiếu thông tin, thông tin lặp, thông tin sai… là chuyện bình thường. Vấn đề tiếp theo là lưu trữ cái đống giấy đấy.
Vậy bây giờ, chủ đầu tư có tiền là có quyền yêu cầu. Đội kỹ sư đừng tập trung làm geometry-model nữa mà chịu khó tập trung làm cái data-model hay information-model đi. Sau đấy chuyển cho tôi các dữ liệu tôi cần để tôi khỏi phải nhập lại, vừa không chính xác mà vừa mất thời gian.
Vậy là COBie được đưa vào trong
BIM Level 2, mục đích chỉ để làm cầu nồi dữ liệu từ BIM ngắn hạn sang BIM dài hạn.
Đến đây, có một số bạn thắc mắc thế chuyển cho chủ đầu tư các mô hình revit hay archicad được rồi. Dĩ nhiên là không, cái mô hình 3D đấy nó đâu có chứa hết các thông tin mà chủ đầu tư cần. Ví dụ bộ FF&E với tất cả thông số kỹ thuật bạn có chắc là nằm hết trong mô hình 3D không ? Chủ đầu tư đâu có Revit, Archicad để mở. Họ đâu có cần biết hết tất cả các thông tin mà bạn dùng khi thiết kể đâu.
Vậy có bạn cũng thắc mắc sao không dùng IFC, định dạng phổ thông không cần Revit vẫn đọc được. IFC cũng dùng để chuyển giao thông tin từ Design sang Operate được nhưng IFC ôm nhiều thứ quá, từ hình học đến dữ liệu của tất cả các thứ qua tất cả các giai đoạn (xem phần IFC ở trên) nên thứa quá nhiều thông tin và tổ chức tập tin quá phức tạp cho vận hành.
Vậy là COBie được chọn cho BIM Level 2. Mình nói được chọn là bởi vì COBie ra đời trước khi các thứ linh tin BIM Level 2 của UK được nhắc đến. COBie viết tắt của Construction-Operations Building information exchange, ra đời từ năm 2007, bởi đại ca Bill East khi đang làm việc tại United States Army Corps of Engineers. Bởi thế, chắc không ai nói về nó hay như là cha đẻ của nó, mời các bạn xem video và các bài viết dưới đây:
Dưới đây, mình chỉ xin tóm tắt một vài ý chính ứng dụng COBie trong khuôn khổ BIM Level 2 của UK.
COBie được chọn tại vì nó là dữ liệu dưới dạng bảng tính (spreadsheet) như excel và nó chỉ chú trọng đến lô trang thiết bị (FF&E) để vận hành công trình. Tức là nó có định dạng đơn giản và thông tin thì gọn nhẹ chỉ tập trung cho không gian và trang thiết bị, phục vụ cho Facility Management. Nếu IFC là mô hình của mọi thứ thì COBie là một tập con của IFC, thông tin trong COBie không có gì mới cả, nó chỉ là định dạng khác của dữ liệu.
Định dạng bảng của COBie Đơn giản chỉ là file excel với nhiều bảng
Để hiểu ý nghĩa cụ thể của từng bảng (sheet) thì mời các bạn đọc thêm tài liệu. Cơ bản thì các sheet được gom vào 3 mảng: Design, Build và Common.
Trước hết là mảng Design để mô tả không gian và trang thiết bị – lõi của COBie
Ví dụ cho dễ hình dùng là trong mô hình revit của Nhà ông A, bạn kéo thả một cái Tivi Sony 100in từ Family Tivi vào phòng ngủ PN01, ở tầng 1. Trong cài file COBie, cái Tivi này được mô tả như sau.
Trước hết là các sheet dùng để tổ chức không gian: Facility > Floor > Zones > Space. Phòng ngủ PN01 (Space) thuộc khu phòng ngủ (Zones), nằm ở Tầng 1 (Floor) trong tòa nhà tên là Nhà ông A (facility).
Sau đấy là các sheet mô tả trang trang thiết: Type > System > Component. Phòng ngủ PN01, có 1 cái Tivi Sony 100in (Component) của loại (Type) Tivi, tức là sheet Component liên kết với sheet Space (trang thiết bị đặt trong không gian).
Mảng thứ 2 là Build – dùng để mô tả các công tác sử dụng, bảo trì cho một loại thiết bị bởi thế các sheet của mảng này liên kết với Type của mảng Design. Ví dụ cái Tivi Sony 100in đấy cần được thay anten (spare) và phải đem đi bảo hành (job) cứ sau 2 năm sử dụng.
Mảng thứ 3 là Common vì nó chứa các thông tin chung cho các trang thiết bị. Ví dụ Tivi Sony 100in đó mua của Sáu Dê (contact) ở chợ trời Tăng Bạch Hổ email là saude@tbh.com, tuy là hàng second hand nhưng vẫn có hướng dẫn sử dụng (Document) theo cái link www.sony.com. Ông Sáu Dê (contact) đấy không chỉ bán cho mình cái Tivi mà còn nhiều thứ khác nữa như Tủ lạnh (component) Máy tính (component)... Nên các sheet ở mục này có thể link đến các sheet của mục Design và Build ở trên.
File COBie cung cấp cách tổ chức không gian, danh sách các trang thiết bị, thông số và phương thức bảo trì… để có thể chuyển trực tiếp vào các phần mềm quản lý công trình (facility management, asset management) của chủ đầu tư mà không cần phải nhập lại từ bản giấy.
Nhìn thì đơn giản thế thôi nhưng hiện tại COBie là cổng ưa chuộng để chuyển dữ liệu từ các BIM platform vào Facility Management platform. COBie không phải là hoàn hảo nhưng COBie được phổ biến bởi vì tuy COBie chỉ làm được một việc nhỏ, nhưng làm tốt.
Quay lại với BIM Level 2 UK, các bạn có thể thấy có 2 mục rất quan trọng trong các tiêu chuẩn mong được thỏa mãn là :
•PAS 1192-4 : 2014 : Các yêu cầu về trao đổi thông tin sử dụng COBie – Hướng dẫn sử dụng
•GSL – Government Soft Landing
Tức là người ta rất chú trọng đến việc chuyển giao thông tin giữa thiết kế, xây dựng và vận hành. Bắt buộc khi bạn làm hồ sơ chuyển giao, bạn phải có:
•Mô hình 3D native, các cơ sở dữ liệu khác nếu có – ví dụ dRofus…
•Các bản vẽ 2D, dưới dạng pdf
•File trao đổi COBie
Đấy là COBie, nhân tiện nói luôn Government Soft Landing (GSL) mà mình không biết phải dịch thế nào. Trong các dự án xây dựng hiện tại, bên Công ty quản lý công trình (FM) thường đến quá muộn so với bên thiết kế. Ví dụ nhiều khi bàn giao cả tháng rồi nhưng chủ đầu tư vẫn chưa biết ai quản lý công trình cho mình nên trong giai đoạn thiết kế và thi công, nhiều khi không ai biết bên Quản lý họ muốn gì.
Trên tinh thần là mang đội Quản lý (FM) đến sớm hơn trong thiết kế, trong BIM Task Group có một đội nghiên cứu về cái này. Họ yêu cầu các bên thiết kế không phải đợi đến khi chuyển giao (6 - handover) mới xuất ra file COBie mà phải xuất sớm hơn trong từng giai đoạn. COBie Drop 1, COBie Drop 2 trong giai đoạn 2-3-4, COBie Drop 3 cho 5-Construction… Sau đấy, bên thiết kế + thi công + Quản lý công trình + Chủ đầu tư… sẽ kiểm tra, hoàn thiện với nhau theo đúng tinh thần Collaborative working của BIM Level 2. Cái này được thể hiện rõ ở hình 2 của PAS1192-2, các hình tròn màu xanh và đỏ.
Tại link giới thiệu về Cobie UK 2012
http://www.bimtaskgroup.org/cobie-uk-2012/, có các file mẫu của COBie cho các bạn nghiên cứu. Các bạn cũng đừng quên load file COBie data drops để biết truy xuất dữ liệu thế nào qua các giai đoạn http://www.bimtaskgroup.org/wp-conte...s-29.03.12.pdf,