Ưu điểm lớn của BIM 5D có thể là đoạn trích xuất khối lượng. Hiện tại vẫn còn nhiều công ty bóc tách khối lượng bằng cách in bản vẽ ra giấy, tô màu rồi đo bằng tay. Có một số công ty thì bốc khối lượng từ file pdf bằng các phần mềm như On-Screen Takeoff, Active Takeoff hoặc Bluebeam… Chỉ có béton là dầm với sàn với cột thì còn chịu được chứ đụng đến các phần trang thiết bị với hoàn thiện kiến trúc thì thôi rồi, không biết lúc nào mới xong và có chính xác không. Với BIM, bạn có sẵn mô hình 3D thì tại sao không bốc luôn .
Chỉ lưu ý là các công ty khác nhau sử dụng phần mềm dự toán khác nhau, phương pháp làm dự toán cũng khác nhau nên số liệu đầu vào nhiều khi khác nhau.
Bởi vậy nếu chỉ dùng các chức năng trích xuất khối lượng có sẳn của các phần mềm 3D (BIM Platform), ví dụ Revit, thì khối lượng đầu ra không dùng được (khác format). Nên các công ty thường có các Add-in đi kèm để xuất khối lượng phù hợp với đầu vào của các phần mềm chuyên dụng mà mình đang dùng.
Mình nghĩ trong tương lai, các nhà sản xuất phần mềm 3D cũng không cải tiến phần trích xuất khối lượng này lắm mà để mảnh đất cho các công ty phần mềm nhỏ chuyên làm các phần mềm tích hợp theo yêu cầu của từng công ty. Các bạn nào yêu thích phần mềm, có thể khai thác phần này để làm sản phẩm bán được .
Nhân tiện mình cũng nhắc lại cái ví dụ mô hình có chủ ý ở phần 4D để thấy là một lần nữa, khi làm mô hình phải chú ý đến việc sử dụng của các bên về sau (intend model). Ví dụ cái tường cao 10m, khi lấy khối lượng tổng thì như nhau nhưng để tính giá thành cho từng tầng của công trình thì phải chia tường này thành từng tầng, như vậy khối lượng từng tầng mới chính xác và dự toán cũng vậy. Đấy là chưa nói đến phương pháp thi công, chuyện thi công tường 10m chiều cao một lần thì phương tiện kỹ thuật khác hẳn thi công thành nhiều đoạn 3-4m.
Bên cạnh đấy, các family cũng phải có các thông tin phù hợp để bạn trích xuất (ví dụ khối lượng thép trong dầm theo thể tích kg/m³ chẳng hạn để khi bán có thể tích bếton, bạn có luôn khối lượng thép).
Vậy là các bạn có (1) khối lượng từ 3D, (2) Phương pháp và tổ chức thi công (để biết dùng giàn giáo gì và bao nhiêu người chẳng hạn) và (3) tiến độ (để biết thời gian thuê giàn giáo và sử dụng nhân công ví dụ thế) từ 4D. Các bạn có (4) giá vật liệu và (5) giá nhân công từ cơ sở dữ liệu của công ty (cái PolyBrain ở hình trên). Vậy là các bạn có thể làm giá được rồi .
Ở Anh với Pháp thì không có cái đơn giá nhà nước nào để áp dụng cả. Chắc là kinh tế thị trường nên các công ty tự lo giá với nhau về cả vật liệu lẫn nhân công. Mỗi công ty thường có một cơ sở dữ liệu lớn lưu trử các giá thành, hoặc là rút kinh nghiệm từ các công trình trước, hoặc là theo thỏa thuận hằng năm với các nhà cung cấp (framework contract)
Tóm lại nếu mô hình 3D của các bên được dựng một cách phù hợp (cùng BIM Standards) và là các mô hình có chủ ý (intend model) thì các bạn hoàn toàn có thể thực hiện các bộ môn phối hợp 3D-4D-5D một cách hiệu quả trong quá trình thiết kế và thi công (đến Stage 5).